Lượt xem: 810
Thảo luận Luật Thanh niên (sửa đổi)
      Chiều ngày 25/5/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường và trực tuyến đến 63 điểm cầu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thảo luận Luật Thanh niên (sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập. Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, .v.v… Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) có VII Chương, 41 Điều. Đại biểu Quốc hội Đoàn Sóc Trăng bà Tô Ái Vang, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, tham gia thảo luận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành Phiên họp

      Đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Quốc hội trình lần này. Tham gia Phiên thảo luận đại biểu Quốc hội đề cập 03 nội dung sau:

      Thứ nhất, tại Điều 7 - Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Đại biểu cho rằng về vấn đề này ngày 28/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1328 về việc kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, ở Điều 3 về cơ cấu tổ chức của Ủy ban này, gồm 18 đồng chí, trong đó có Chủ nhiệm, 03 Phó Chủ nhiệm và 14 Ủy viên là lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Với chức năng là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về công tác thanh niên. 

      Theo đại biểu, Luật sửa đổi lần này nếu tiếp tục giữ mô hình hoạt động của Ủy ban Quốc gia về công tác thanh niên, đại biểu kiến nghị cần có những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đặt ra, về: tổ chức cán bộ; về vị trí, trách nhiệm, cơ chế hoạt động, phối hợp, quản lý; về hệ thống dọc;... đặc biệt là việc quán triệt Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã đề ra và chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu cụ thể của Chính phủ đã ban hành.

      Thứ hai, về chính sách của nhà nước đối với thanh niên có tài năng (Điều 24).

      Theo đại biểu, Dự thảo Luật sửa đổi lần này cần bổ sung khái niệm “thanh niên có tài năng”, và tại Điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa thông qua tại kỳ họp thứ 8, thì Quốc hội thống nhất thông qua khái niệm “Người có tài năng trong hoạt động công vụ...”. Còn trong Dự thảo luật sửa đổi lần này khái niệm, “thanh niên có tài năng” là rất rộng, bởi vì thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi có mặt trong hầu hết các lĩnh vực, bao gồm: thanh niên là học sinh, sinh viên; là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; là nhà khoa học, kỹ sư, bác sỹ trẻ; là nhà sáng tạo, nhà doanh nghiệp trẻ, vận động viên, thợ lành nghề, công nhân hay là người lao động tự do,… Đại biểu cho rằng cần có cơ sở để làm căn cứ, cũng như tiêu chí để đánh giá và công nhận đây là thanh niên có tài năng theo từng lĩnh vực.

      Đối với tiêu chí đánh giá thanh niên có tài năng thì khung cơ chế, chính sách đối với đối tượng này, bao gồm cả chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ thanh niên có tài năng, tránh việc áp dụng Luật không thống nhất giữa các địa phương. Tại Khoản 2 Điều 24 Chính phủ cần quy định thống nhất việc áp dụng chính sách thu hút nhân tài, vì hiện nay, mỗi tỉnh thực hiện theo mỗi kiểu khác nhau, nhất là các tỉnh nghèo, khó khăn, thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì còn khó khăn trong thực hiện chính sách, để giữ chân nhân tài,… góp phần thay đổi diện mạo của địa phương mình.

 



Tại điểm cầu Sóc Trăng bà Tô Ái Vang tham gia phát biểu thảo luận

      Thứ ba, về chính sách của Nhà nước đối với Thanh niên (Chương III): gồm 10 Điều (từ điều 16 đến điều 26) trên các lĩnh vực: Học tập và nghiên cứu KH; lao động, việc làm; khởi nghiệp; BVCS và nâng cao SK; VH, TDTT; BVTQ; chính sách đối với TNXP; Thanh niên TN;TN tài năng; TNDTTS; TN từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

      Đại biểu thống nhất với dự thảo Luật quy định những chính sách chung, mang tính chất định hướng trên những lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên, phát triển thanh niên nói chung cũng như đối với các đối tượng thanh niên đặc thù, nhằm tránh sự trùng lắp, chồng chéo với các Luật chuyên ngành mà thanh niên cũng là đối tượng thụ hưởng. Đây được xem là Luật gốc đối với những vấn đề liên quan đến thanh niên, các Luật chuyên ngành quy định những vấn đề liên quan đến thanh niên buộc phải tuân thủ các nguyên tắc quy định trong Luật gốc này.

      Theo đại biểu, các chính sách của Nhà nước đối với Thanh niên cần bổ sung để tương thích với Bộ chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN với 4 lĩnh vực cơ bản: Giáo dục; Sức khỏe và hạnh phúc; Việc làm và cơ hội; sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị và dân sự để có sự tương đồng về chiến lược phát triển thanh niên của các nước là thành viên, đặc biệt Luật TN sửa đổi vào thời điểm Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN.

      Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi và trách nhiệm về Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) với nhiều ý kiến rất xác đáng. Thay mặt cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này./.
Văn Tiến
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 372
  • Trong tuần: 2 628
  • Tất cả: 531853
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.