Lượt xem: 262
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng phát biểu thảo luận dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc
      Sáng ngày 10/6/2022 (từ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút), tại hội trường Quốc hội đã diễn ra thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1). Bà Triệu Thị Ngọc Diễm, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã tham gia phát biểu tham luận tại hội trường về ý nghĩa, sự cần thiết đầu tư và một số đề xuất đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1). Được sự thống nhất của đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, Tổ thư ký Đoàn ĐBQH tỉnh trích nguyên văn bài phát biểu.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm phát biểu tham luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

      Kính thưa: Chủ tọa kỳ họp,

      Kính thưa: Quốc hội,

      Qua nghiên cứu tờ trình của Chính phủ cùng các văn bản có liên quan đến chủ trương Đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đồng tình cao với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án.

      Về ý nghĩa của việc đầu tư dự án

      Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ thu hút được 320 triệu USD/5 tỉ USD (chiếm khoảng 6,4%) vốn FDI của cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực giáp với thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, vấn đề về hạ tầng giao thông kết nối đến miền Tây Nam Bộ vẫn còn là vấn đề e ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

      Trước thực trạng còn nhiều hạn chế của hệ thống giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội 13 chủ trương đến năm 2030 hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tối đa hệ thống các bến cảng lớn, cảng nước sâu và các cửa khẩu quốc tế, đẩy mạnh hoạt động logicstic; qua đó, tạo đòn bẩy kích thích, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là chìa khoá quan trọng trong chiến lược giao thông mở đường đi trước nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân; mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển toàn diện của không chỉ các tỉnh, thành trong phạm vi dự án mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

      Bên cạnh đó, tôi xin có 3 đề xuất:

      Thứ nhất, về công tác giải phóng mặt bằng và khai thác vật liệu đắp nền

      Với đặc thù dự án theo hướng tuyến, chiều dài khoảng 188,2 km, số hộ bị ảnh hưởng tương đối nhiều. Tổng thời gian thực hiện các công đoạn giải phóng mặt bằng khá dài, còn phải tuân thủ các mốc theo quy định tại Luật Đất đai 2013, đơn cử như từ Thông báo thu hồi đất đến Quyết định thu hồi đất phải đảm bảo tối thiểu 90 ngày đối với đất nông nghiệp, 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp hay việc công khai phương án, lấy ý kiến người dân, kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế… đều có quy định thời gian tối thiểu. Do đó, để đảm bảo hài hoà giữa 2 yếu tố: quy định - tiến độ đối với dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, tôi kiến nghị Quốc hội thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong Quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn. Đồng thời, cần sớm thống nhất về cơ chế hoặc ban hành Nghị quyết triển khai để đồng bộ giữa các quy định, bởi vì từng tỉnh đều có khung giá đất và mức hỗ trợchuyển đổi nghề nghiệp; mức giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi riêng nên không tránh khỏi tình trạng những hộ dân ở gần nhau trên cùng hướng tuyến so sánh, làm chậm tiến độ.

      Ngoài ra, hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung triển khai nhiều dự án, với nhu cầu vật liệu cát đắp nền rất lớn, trong khi trữ lượng cát sông rất hạn chế. Vừa qua, Quốc hội đã có Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trong đó có nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An bảo đảm chuẩn tắc cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để sử dụng nguồn nạo vét này kết hợp với các mỏ vật liệu cát đắp trong tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đặc biệt là các mỏ tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp để cung ứng bảo đảm nguồn vật liệu cho Dự án.

      Thứ hai, về phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thực hiện các dự án thành phần

      Dự án đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố; hiện nay, nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và thi công các dự án quy mô lớn.

      Đồng thời, để tăng cường trách nhiệm của các địa phương, xin đề xuất Quốc hội cho phép chia Dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của từng tỉnh, thành phố; Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn để huy động mọi nguồn lực vào mục tiêu chung là hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng. Trường hợp năng lực Ban Quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, các địa phương sẽ thuê đơn vị tư vấn quản lý trong ngành giao thông để giúp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều này cũng góp phần tạo điều kiện để hoàn thiện và nâng cao năng lực các địa phương trong việc đảm nhận, điều hành và thực hiện các dự án trọng điểm của địa phương hoặc được Trung ương giao. Còn về cơ chế, vẫn giao cho Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản kiểm tra, giám sát và thẩm định về kĩ thuật.

      Thứ ba, về sự kết nối giữa kết cấu hạ tầng và hoạt động logicstic

      Hoạt động logistics phụ thuộc rất lớn vào kết cấu hạ tầng, nếu không có kết cấu hạ tầng thì logictics không thể hoạt động và phát huy được. Hiện tại, dịch vụ logistisc của nước ta mới phát triển mạnh ở một số tỉnh, thành phố thuộc các khu vực kinh tế trọng điểm, trong khi ở Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung sản xuất hàng hóa nông sản lớn lại thiếu vắng loại hình dịch vụ này. Do đó, dự án xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 cần phải hoàn thành đảm bảo tiến độ để khơi dậy, khai thác và đẩy mạnh hoạt động logicstic, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tối đa hệ thống các bến cảng lớn, cảng nước sâu để rút ngắn thời gian vận tải cũng như giảm chi phí vận tải cho hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản.

      Kính thưa Quốc hội!

      Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nếu không có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông thì tương lai gần sẽ không tránh khỏi tổn thất nặng nề bởi tác động của môi trường và biến đổi khí hậu.

      Việc đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 với tư cách là một trong 3 trục ngang của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nền tảng quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc, mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện, tạo ra các giá trị bền vững của nền kinh tế - xã hội, Quốc phòng - an ninh của các tỉnh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị.

      Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Phạm Tiến Hải
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 307
  • Trong tuần: 2 064
  • Tất cả: 531289
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.