Họp Tổ thảo luận đóng góp Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự
Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành cuộc họp ngày 01/11/2022
Tại cuộc họp chiều ngày 01 tháng 11 năm 2022, các đại biểu Quốc hội trong Tổ đóng góp hai dự thảo luật gồm : Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đối với Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã góp ý 05 vấn đề, cụ thể:
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đóng góp Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
- Về trình tự, thủ tục đăng kí: Tại khoản 2, Điều 25 - Trình tự, thủ tục đăng kí tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, có nêu 3 hình thức đăng kí và nhận kết quả: a) Trực tiếp bằng bản giấy tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; b) Bằng bản giấy qua dịch vụ bưu chính; c) Qua môi trường điện tử. Và tại khoản 3, nêu định nghĩa: Đăng ký tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân qua môi trường điện tử là như thế nào và bộ hồ sơ thực hiện gồm những nội dung nào…Theo đại biểu Diễm thì không cần quy định chi tiết như vậy vì điều này đã được quy định trong các văn bản hiện hành về dịch vụ công trực tuyến theo tinh thần Nghị định số: 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 về việc quy định cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng cũng như các bộ hồ sơ đăng kí kinh doanh có liên quan được niêm yết trên hệ thống cổng thông tin điện tử và tại trụ sở các cơ quan. Việc quy định và lí giải cục bộ như vậy không giúp làm rõ hơn mà chỉ làm dài dòng, mất đi tính súc tích của văn bản luật.
- Về phương án sản xuất, kinh doanh: Điều 26. Đăng ký tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (bổ sung chữ “nhân”). Đại biểu diễm tán thành cao việc bỏ Phương án sản xuất, kinh doanh (là một nội dung quan trọng trong Hội nghị thành lập HTX, Liên hiệp HTX theo Luật HTX 2012 trước đây), vì trên thực tế, điều này không khả thi tại các địa phương. Ngược lại, còn mang tính hình thức và đối phó. Vì tất cả đều là phương án và giả thuyết, mang tính giả định, chưa thực hiện trên thực tế. Cần phải kiểm nghiệm và đầu tư triệt để mới đi đến thành công. Do đó, lấy phương án sản xuất làm 1 tiêu chí quan trọng hàng đầu là điều chưa hợp lí. Tuy nhiên, khi xem xét để vay vốn các tổ chức tín dụng, thì việc yêu cầu phương án sản xuất, kinh doanh cũng nên được xem xét để trình bày và đánh giá tính khả thi, nhưng không qua lạm dụng, hình thức, chủ yếu nên chỉ mô tả ngắn gọn, cung cấp những thông tin cần thiết mà thôi.
- Về đội ngũ: Điều 46. Điều kiện trở thành thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Kế toán. Dự thảo luật chỉ mới đề cập đến “điều kiện”, đại biểu Diễm cho rằng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Tại điểm c khoản 1, cũng chỉ mới đề cập ngắn gọn: “Điều kiện khác do Điều lệ quy định”, trong khi Điều lệ thì do các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể cùng thống nhất lập ra. Đây chỉ mới là 1 khía cạnh, chưa đáp ứng thực tiễn hiện nay để vận hành bộ máy rút gọn hay đầy đủ của các loại hình kinh tế tập thể. Kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm các phạm trù: Tiêu chuẩn và Yêu cầu đối với các đối tượng này để thực sự bộ máy có chất lượng, đủ sức để quản trị tổ chức và tập thể. Bởi vì thực tiễn đã chỉ ra rằng, nếu không có một nền tảng tri thức – kiến thức vững chắc thì cho dù được đào tạo, bồi dưỡng bao nhiêu, cũng khó để 1 giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị nắm vững kiến thức về “hạch toán”, kinh doanh, hợp tác, giao dịch điện tử, xuất khẩu thông minh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào chu trình sản xuất…, mà cứ lẩn quẩn bài toán gom các cá thể kinh tế nhỏ lẻ, độc lập lại theo số lượng và các thủ tục theo quy định; điều này chính là 1 trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sức sống thiếu bền, thiếu vững của các HTX trong thực tiễn thời gian qua. Chúng ta chấp nhận, không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn, yêu cầu của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Kế toán thì không thành lập HTX; không thể chạy theo số lượng mà hạ thấp chất lượng, mà chất lượng này là chất lượng đặc biệt liên quan trí tuệ, năng lực xương sườn, nuôi sống kinh tế tập thể.
- Về thành viên Liên đoàn Hợp tác xã: Điều 84. Thành viên Liên đoàn Hợp tác xã Tại khoản 1, quy định “Thành viên liên đoàn hợp tác xã bao gồm: (1) thành viên chính thức, (2) thành viên liên kết có góp vốn, (3) thành viên liên kết không góp vốn”. Trong đó, “thành viên chính thức là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp”. Như vậy, trường hợp không có HTX, Liên hiệp HTX tham gia vào Liên đoàn HTX, mà chỉ có các doanh nghiệp có gọi là Liên đoàn HTX hay không? Nếu không thì phải bổ sung thêm ý “Trong đó, thành viên HTX, Liên hợp HTX làm nòng cốt” và diễn đạt khoản 1 lại thành “Thành viên liên đoàn hợp tác xã bao gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.
- Về Liên đoàn Hợp tác xã (Mục 3, chương VI dự thảo luật). Đây là loại hình kinh tế tập thể mới, không có trong phạm vi hoạt động trước đây của các loại hình kinh tế tập thể của nước ta. Đặc biệt, báo cáo giải trình nêu: “Dự thảo đang thiết kế đối tượng Liên đoàn HTX trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế, có quy mô vùng, quốc gia, tạo hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác từ thấp đến cao, tạo kết nối, quản lý, phân bổ, chia sẻ, sử dụng các nguồn lực để thúc đẩy các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực ngành nghề”. Ở Việt Nam, khái niệm “Liên hiệp” và “Liên đoàn” trên lĩnh vực ngành nghề chưa có sự khác biệt quá nhiều. Chủ yếu là gồm nhiều tổ chức nhỏ hơn hợp thành, thường hoạt động cùng chung lĩnh vực nào đó. Do đó, đại biểu Diễm có 2 đề xuất sau:
1. Xem xét, bỏ việc thành lập liên đoàn HTX. Nếu dự thảo luật tiếp cận góc độ theo giải trình, đó là đều mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tham gia thị trường và xây dựng cộng đồng các tổ chức kinh tế hợp tác ngày một lớn mạnh, bền vững thì cũng không có sự khác biệt nhiều giữa khái niệm Liên đoàn HTX và Liên hiệp HTX. Việc lấy sự khác biệt đề xuất việc thành lập Liên đoàn hợp tác xã liên quan đến số lượng thành viên tham gia và mục đích tăng cường năng lực xuất – nhập khẩu và hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên tham gia thì chưa thuyết phục và có phần trùng với chức năng của tổ chức xã hội – nghề nghiệp là Liên minh Hợp tác xã. Bởi lẽ, Liên hiệp Hợp tác xã vẫn có thể làm được việc đó, hiện nay cũng đã có nhiều liên hiệp Hợp tác xã vươn ra các nước. Nếu trong quá trình đó, các liên hiệp hợp tác xã thiếu năng lực xuất - nhập khẩu thì tại sao chúng ta lại không hoàn thiện các quy định để tạo điều kiện mở rộng cơ chế, phạm vi cho Liên hiệp HTX mà lại thành lập thêm 1 thành phần mới trên cơ sở học tập kinh nghiệm mà thôi? Tương lai, nếu các thành phần kinh tế tập thể ngày càng phát triển thì chẳng lẽ chúng ta lại phải thay đổi Luật? Hoặc cứ phải ban hành thêm văn bản quy định chạy theo sự phát triển của xã hội mà chúng ta không có một phán đoán có căn cứ, chặt chẽ?!
2. Nếu dự thảo luật tâm huyết định hướng nâng tầm quốc tế, xuyên quốc gia trong vai trò của liên đoàn HTX thì phải gia công, biên tập lại một cách bài bản, tiêu chuẩn và hệ thống những vấn đề liên quan nội dung này để thực sự liên đoàn HTX đóng góp vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân và thúc đẩy kinh tế phát triển. Khi khởi đầu mới phát triển hay phát triển đến đỉnh điểm đều có thể áp dụng các quy định trong luật này để tạo hệ sinh thái mang tầm quốc gia, khu vực, quốc tế. Đồng thời, làm rõ hơn đặc trưng, cơ chế, tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của Liên đoàn Hợp tác xã. Như dự thảo hiện tại, theo tôi còn rất sơ sài và chưa mang tính dự báo khoa học.
Đại biểu Nguyễn Xuân Dắt, Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 9 đóng góp Dự án Luật Phòng thủ dân sự
Tại buổi họp này, đại biểu Nguyễn Xuân Dắt, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng đóng góp Dự án Luật Phòng thủ dân sự.