Lượt xem: 60
TIN HỌP QUỐC HỘI NGÀY 21/6/2024
        Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

        Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là nhằm: (1) Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; (2) Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; (3) Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; (4) Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; (5) Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; (6) Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; (7) Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

        Dự thảo Luật có bố cục gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng dự phiên họp Quốc hội sáng ngày 21/6/2024

        Tại hội trường sáng nay, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã tham gia góp ý dự luật này, cụ thể tập trung vào 06 nội dung như:

        Thứ nhất. Về đối tượng áp dụng: Dự thảo Luật đã xác định phạm vi điều chỉnh nhưng chưa quy định đối tượng áp dụng. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định đối tượng áp dụng để dự thảo được đầy đủ hơn.

        Thứ hai. Về giải thích từ ngữ (Điều 4 dự thảo)

        - “Người đại diện của người chưa thành niên” khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật 

        Tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật nêu “Người đại diện của người chưa thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Người đại diện của người chưa thành niên bao gồm: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; b) Người giám hộ; c) Người do Tòa án chỉ định”. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sự cần thiết quy định“Người đại diện của người chưa thành niên bao gồm: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; b) Người giám hộ; c) Người do Tòa án chỉ định” vì Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rất cụ thể là đại diện theo pháp luật của cá nhân “1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; 2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; 3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; 4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét để tránh trùng lắp.

        - “Biện pháp xử lý chuyển hướng” quy định tại khoản 9 Điều 4 dự thảo Luật
 
        Tại khoản 9 Điều 4 dự thảo Luật quy định “9. Biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Luật này, bao gồm các biện pháp khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến một địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình (sau đây gọi là biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng) và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.”  đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại khoản này vì:

        Việc liệt kê các biện pháp chuyển hướng như tại K9 Đ4 là lặp lại toàn bộ nội dung quy định tại Điều 36 dự thảo Luật, theo đó đề nghị chỉnh lý khoản 9 Điều 4 dự thảo thành “Biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Luật này, bao gồm các biện pháp quy định tại Điều 36 của Luật này”.

        Thứ ba. Về đối xử bình đẳng (Điều 7 dự thảo Luật) 

        Tại khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật nêu “Quan tâm đến các nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên do giới tính, thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật và người dân tộc ít người.”, đề nghị xem xét khi sử dụng cụm từ “người dân tộc ít người” vì:

        Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc quy định:

        + Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP quy định: “”Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

        + Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP “Dân tộc thiểu số rất ít người” là dân tộc có số dân dưới 10.000 người.”.

        Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải thích từ ngữ tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP để sử dụng cụm từ “Dân tộc thiểu số” hoặc “dân tộc thiểu số rất ít người” thay cho cụm từ “người dân tộc ít người” để quy định cụ thể, rõ ràng và phù hợp hơn.

        Thứ tư. Về chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên (Điều 16 dự thảo Luật ) 

        Điều 16 dự thảo Luật quy định “Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người chưa thành niên, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.” có nội dung trùng lặp với điều kiện của người tiến hành tố tụng quy định tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật:

        “ Điều 29. Người tiến hành tố tụng 

        1. Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

        a) Được đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên;

        b) Có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên;

        c) Được đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng về tâm lý học và khoa học giáo dục cho người chưa thành niên.”.

        Để tránh quy định trùng lặp nội dung tại hai Điều này, tôi đề nghị chỉnh lý Điều 16 dự thảo thành “Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phải là người đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật này”.

        Thứ năm. Về trách nhiệm của gia đình (Điều 32 dự thảo Luật) 

        - Tại khoản 2 Điều 32 dự thảo Luật nêu “2. Cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên có trách nhiệm lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người chưa thành niên trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật.”, đề nghị điều chỉnh cụm từ “người giám hộ” thành “người giám hộ đương nhiên” để phù hợp với Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi nếu chỉ quy định là người giám hộ thì không phù hợp với tên gọi của Điều 32 dự thảo “Trách nhiệm của gia đình” và theo khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.”.

        Thứ sáu. Về lựa chọn người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 76 dự thảo Luật)
 
        Khoản 2 Điều 76 dự thảo Luật quy định việc lựa chọn người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong đó có Công chức tư pháp - hộ tịch.Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét việc đưa “Công chức tư pháp - hộ tịch” để trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vì theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì ở đa số đơn vị hành chính cấp xã chỉ có 01 công chức tư pháp - hộ tịch. Đồng thời chức danh này phải đảm đương khối lượng công việc khá nặng gồm 7 nhóm nhiệm vụ như: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định việc soạn thảo, ban hành các văn bản theo quy định của pháp luật; giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn của cơ quan cấp trên; Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác thi hành án; theo dõi việc thi hành pháp luật và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức hòa giải cơ sở; phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong việc sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã; quản lý tủ sách pháp luật tại Ủy ban nhân dân cấp xã; phối hợp với công chức Văn hóa - xã hội hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước; Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của pháp luật; Phụ trách lĩnh vực hộ tịch, công chứng, chứng thực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã;…

        Do đó việc dự thảo Luật giao bổ sung nhiệm vụ cho công chức tư pháp – hộ tịch trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể sẽ gây áp lực cho công chức tư pháp hộ tịch và rất khó để công chức tư pháp hộ tịch hoàn thành nhiệm vụ vì thời gian họ tiếp dân để xử lý công việc hộ tịch, chứng thực và các nhiệm vụ theo quy định thì đã không đủ thời gian thì làm sao họ có thời gian để giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thật kỹ việc đưa đối tượng “công chức tư pháp – hộ tịch” để trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ phát biểu tại hội trường sáng ngày 21/6/2024
P-T-Hải











Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 911
  • Trong tuần: 8 321
  • Tất cả: 709154
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.