Năm học 2023-2024 ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo
Tặng bằng khen UBND tỉnh cho tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022-2023
Với chủ đề “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Năm học 2022 – 2023, toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án quan trọng về phát triển giáo dục và đào tạo; tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Quy mô, mạng lưới giáo dục các cấp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn và tập trung đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả, đạt chỉ tiêu đề ra; phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 380/461 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 82% (đạt 99% kế hoạch năm 2023). Ngành tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý giáo dục, phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học bước đầu có sự chuyển biến đáng kể, tạo điều kiện để khai thác thông tin trong dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chất lượng giáo dục toàn diện, các cấp học tiếp tục được giữ vững thành tích, đa số các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới cách đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Phong trào học sinh giỏi và khoa học kỹ thuật có nhiều chuyển biến tích cực; cụ thể, kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2022 - 2023, tỉnh Sóc Trăng có 6 em đạt giải; có 253 học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học cơ sở cấp tỉnh và 538 em đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở các cấp học đạt 100%; kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2023 có 9.593/9.651 thí sinh được công nhận tốt nghiệp chiếm tỷ lệ 99,40%... Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tiếp tục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ bằng nhiều hình thức đa đạng, phong phú, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trước yêu cầu, đòi hỏi rất cao về chất lượng giáo dục toàn diện, nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá thẳng thắn, công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh còn có những tồn tại, hạn chế đó là: cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục tại một số nơi chưa thật sự đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT nhất là việc thực hiện CTGDPT 2018; chất lượng và hiệu quả giáo dục tuy có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu; cán bộ quản lý, giáo viên có chú trọng trong thực hiện đổi mới giáo dục nhưng chưa có những giải pháp mang tính đột phá, khả năng linh hoạt và sáng tạo chưa cao. Việc đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học được triển khai đồng bộ và bước đầu có hiệu quả tích cực, nhưng tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên vẫn còn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Đoàn khảo sát chuẩn bị năm học 2023-2024 của tỉnh đến làm việc và chụp hình lưu niệm với BGH trường THCS Kế Sách
Năm học 2023-2024 ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo” với các nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, tiếp tục thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo thông qua việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Hai là, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tiếp tục rà soát chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có để có giải pháp khắc phục kịp thời; có kế hoạch nâng chuẩn theo Đề án phát triển đội ngũ; thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện CTGDPT 2018. Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Ba là, tăng cường công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động để tạo sự đoàn kết thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thật sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo. Quan tâm đến giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh xây dựng văn hoá học đường, văn hoá ứng xử lành mạnh; hướng dẫn cho học sinh kỹ năng tự xử lý cho học sinh khi gặp các tình huống có liên quan đến bạo lực trong và ngoài nhà trường.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và trong kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn ngành, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông.
Năm là, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hoá đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt đối với các trường vùng dân tộc thiểu số, trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; quan tâm đến việc quản lý tốt cơ sở vật chất của nhà trường, khai thác hiệu quả trang thiết bị giáo dục, đồ dùng dạy học đã được đầu tư, tăng cường thực hành, thí nghiệm ..., chú ý đến việc bảo quản nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục, tăng cường giáo dục vệ sinh môi trường, phòng chống rác thải nhựa.
Với truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023-2024 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo” góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV./.