Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng - tự hào những chặng đường phát triển
Tiền thân của BĐBP Sóc Trăng là Đội phòng thủ Tỉnh ủy Sóc Trăng, được thành lập ngày 28/01/1960 tại xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Thời kỳ vận động làng, xã kháng chiến bảo vệ vùng căn cứ, vùng giải phóng bằng đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc được khơi dậy ở những năm 1964 - 1967 như phong trào săn máy bay Mỹ, phong trào bao vây đánh lấn đồn, bót địch... Khi chiến tranh bước sang thời kỳ quyết liệt do Mỹ thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở chiến trường miền Nam thì ngay tại tỉnh nhà đơn vị B68 (Đội phòng thủ Tỉnh ủy) một lần nữa lại thực hiện bám dân, diệt ác, giữ vững ý chí trên tuyến Mỹ Phước, Bàu Còn, Tam Sóc... Lực lượng vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, vừa chủ động tấn công địch trong mọi tình huống.
Trải qua 15 năm trực tiếp chiến đấu chống Mỹ cứu nước, đơn vị đã phối hợp và độc lập chiến đấu trên 600 trận lớn, nhỏ, bao vây bứt rút 1 chi khu, chiếm 3 phân chi khu và hàng trăm lượt đồn, bót; diệt và làm mất sức chiến đấu của 6 đoàn bình định, cải tạo và giáo dục 200 tên gián điệp, tình báo, biệt kích, bắn rơi và làm hư hỏng 42 máy bay. Tiêu biểu cho những thành tích của đơn vị là tổ chức bắn máy bay trực thăng soi đêm của địch; tham gia bao vây đánh chiếm Đồn Nàng Rền năm 1965; bao vây Chi khu Ngã Năm (nay là TX. Ngã Năm) 1968; 31 ngày đêm chiến đấu bảo vệ khu căn cứ rừng tràm Mỹ Phước của Tỉnh ủy năm 1972 và tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Sóc Trăng tháng 4-1975. Tiếp tục đáp lời kêu gọi, giai đoạn 1979 - 1989, các đơn vị vũ trang lại thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đã phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng của bạn mở chiến dịch tổng tấn công lật đổ chế độ Khmer đỏ giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh của đất nước Campuchia, góp phần hồi sinh dân tộc Campuchia sau thảm họa diệt chủng.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy vai trò của đảng viên qua những nhiệm kỳ đại hội. Ảnh: NGỌC DIỄM
Đất nước thống nhất, lực lượng biên phòng tiếp tục bắt tay thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Từ khi tái lập tỉnh Sóc Trăng (tháng 4-1992), đường bờ biển của tỉnh dài 72 km thuộc huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu; có 3 cửa sông lớn gồm Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, đây là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng và an ninh của tỉnh. Chính vì vậy, BĐBP Sóc Trăng luôn phấn đấu làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển. Trong giai đoạn mới tái lập tỉnh, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới biển rất khó khăn. Trong ký ức của những cán bộ hưu trí từng công tác tại BĐBP Sóc Trăng, mỗi khi xuống địa bàn làm nhiệm vụ phải mất từ 2 ngày trở lên, đi đến đâu thì xin vào nhà dân xin nghỉ đến đó, tình cảm vô cùng gắn bó. Vùng biển lúc bấy giờ cũng phức tạp, tàu thuyền nước ngoài thường sang đánh bắt thủy sản trái phép, trong khi phương tiện tuần tra của biên phòng còn thô sơ. Nhưng bằng sự quyết tâm, BĐBP Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự trên các hướng, địa bàn trọng điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày nay, phát huy thành quả của thế hệ đi trước, BĐBP Sóc Trăng giữ vững truyền thống tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; luôn khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Điển hình là trong năm 2021, đơn vị đã điều động, tăng cường 60 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tại Biên phòng An Giang theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP; cử 97 đồng chí cán bộ, chiến sĩ tham gia trực tại 38 tổ, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và 11 khu cách ly. Đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ bắt, khởi tố, điều tra ban đầu 4 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý; triệt xoá 3 tụ điểm sử dụng ma tuý. Duy trì 10 mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi dê tập trung, trồng màu, chăn nuôi và buôn bán nhỏ; mô hình giúp đỡ 5 người già neo đơn, không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hàng tháng đơn vị đều hỗ trợ với mức 350.000 đồng/người/tháng và một số thực phẩm thiết yếu khác (gạo, mì tôm, bột ngọt, dầu ăn…), cử cán bộ quân y theo dõi, chăm sóc sức khỏe hàng tháng. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” đơn vị nhận đỡ đầu 36 cháu, mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/cháu cho đến khi học hết lớp 12; Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” nhận đỡ đầu 10 cháu, mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng/cháu. Kinh phí thực hiện từ nguồn vận động đóp góp hằng năm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP tỉnh và các nguồn vận động khác...
Dù bất kỳ giai đoạn nào, hình ảnh những người thầy giáo, người thầy thuốc quân hàm xanh ngày đêm tận tụy bám địa bàn, mang cái chữ, ánh sáng văn hóa và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi vùng biển luôn là hình ảnh sống động, sâu đậm trong lòng mỗi người dân.
NGỌC DIỄM