27/11/2023
Hội thảo tham vấn Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi
Sáng ngày 27/11/2023, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản; đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; các nhà khoa học, các chuyên gia thủy sản; lãnh đạo Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh; lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp thủy sản; tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Đồng chí Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THÚY LIỄU
Trong năm 2023, diện tích thả nuôi tôm cả nước 737.000ha, sản lượng đạt trên 01 triệu tấn. Riêng tỉnh Sóc Trăng, tính đến thời điểm hiện tại diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước đạt trên 52.323ha, vượt 2,6% so với kế hoạch. Sản lượng thu hoạch ước đạt 200.817 tấn, đạt hơn 97 % so kế hoạch. Tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 04%, giảm 0,9% so cùng kỳ năm trước. Diện tích thiệt hại xảy ra rải rác ở các mô hình và các địa phương, nguyên nhân thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, yếu tố môi trường, bệnh gan tụy, vi bào tử trùng và phân trắng. Theo đó, diện tích tôm nuôi nước lợ đã thu hoạch hơn 43.697ha, chiếm tỷ lệ 83% diện tích thả, tôm trên đồng. Ước sản lượng tôm nuôi đến cuối năm đạt 210.000 tấn, tăng 4,48% so với năm trước.
Đại biểu tham gia đóng góp các nội dung trọng tâm cho phát triển ngành tôm bền vững như: cách phòng ngừa bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi nước lợ; các mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả; cách thức nuôi tôm giảm giá thành cho người nuôi tôm; áp dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý con tôm nuôi nước lợ; phòng ngừa một số bệnh thường gặp trên tôm; quy trình tầm soát, kiểm nghiệm tôm nuôi để ngừa dịch bệnh; giới thiệu hệ thống oxy trong ao nuôi tôm…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản chia sẻ, trong thời gian tới sẽ phát triển ngành tôm Việt Nam theo hướng tư duy hệ thống; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, ngành Thủy sản sẽ kiểm soát điều kiện nuôi, khuyến khích hộ nuôi áp dụng GAP; quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào; quan trắc môi trường dịch bệnh và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng quy trình sản xuất giảm chi phí đầu tư. Phát triển thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chính; nâng cao chất lượng giống, phát triển các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường…
THÚY LIỄU