Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng ngày 24/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Dự tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cùng các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo tóm tắt những nội dung đã đạt được gồm công tác hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, công tác xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số, hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin mạng. Cuộc họp cũng đã trao đổi, thảo luận với nhiều nội dung xoay quanh chủ đề phát triển kinh tế số - trọng tâm của năm 2024. 

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÙY TRANG

Qua đó Thủ tướng chính phủ đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:

Thứ nhất, ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: Về phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022 - 2023.

"Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 01 đề án chuyển đổi số như Bộ Công an đã làm và kết nối với Đề án 06", Thủ tướng yêu cầu và giao Bộ Công an phổ biến kinh nghiệm.

Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương kiện toàn các ban chỉ đạo, hoạt động mạnh mẽ, thực chất.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, có liên quan khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi); khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh; xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia và tại các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và ban hành phương pháp, tiêu chí đo lường chỉ tiêu thống kê về tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP và trong các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.

Bộ Công an đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Dữ liệu trình Chính phủ xem xét, thông qua; tiếp tục mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID và nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định pháp lý liên quan; tập trung triển khai hiệu quả việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế trước khi triển khai nhân rộng; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi); tập trung số hóa trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.

Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung phương án xử lý đối với việc thực thi các nghị quyết đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo phạm vi quản lý của từng bộ, ngành.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị; rà soát, lập phương án phân bổ, báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các khoản chi của ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ để thực hiện mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trước 30/5/2024; quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…

Thứ ba, các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Trong quý II/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách tổ chức phiên họp chuyên đề về số hóa ngành nông nghiệp, ngành công thương.

Thứ tư, yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động. 

Thứ năm, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg, Quyết định 422/QĐ-TTg và 20 dịch vụ công ưu tiên theo Quyết định số 206/QĐ-TTg; kết nối các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC). 07 địa phương khẩn trương trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến (hoàn thành trong tháng 5/2024).

Thứ sáu, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Với các đề xuất, kiến nghị tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tập hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phân công các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của nước ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

THÙY TRANG

1 2 3 4 5  ... 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77726889

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.