Quang cảnh phiên họp Thường trực
Thực hiện chương trình làm việc năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị, các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh để thảo luận, cho ý kiến về tổ chức các kỳ họp HĐND; qua đó, chỉ đạo giải quyết các nội dung theo thẩm quyền nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh đã chuẩn bị và linh hoạt tổ chức các kỳ họp chuyên đề để thông qua nhiều quyết sách quan trọng, đúng đắn, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương. Trong năm, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 09 kỳ họp (02 kỳ họp thường lệ, 07 kỳ họp chuyên đề) thông qua 41 báo cáo, ban hành 168 nghị quyết (tăng 02 kỳ họp, tăng 37 nghị quyết so với năm 2023). Công tác tổ chức kỳ họp của HĐND tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, phù hợp cả về nội dung và thời gian tổ chức, nâng cao chất lượng theo hướng thực chất và hiệu quả, đúng pháp luật. Công tác điều hành kỳ họp được chủ tọa đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tạo sự đồng thuận cao, phát huy tối đa kinh nghiệm và trí tuệ của đại biểu, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng phát biểu của đại biểu. Điều này thể hiện rõ nhất tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ngoài sự truy vấn, trao đổi giữa đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tọa kỳ họp đã có sự gợi mở, định hướng, dẫn dắt để nội dung chất vấn đi vào trọng tâm, trọng điểm, giải quyết triệt để vấn đề đặt ra.
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 27
Trong số 168 nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua trong năm 2024, có nhiều nghị quyết tạo cơ chế, chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và chăm lo đời sống dân sinh, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Sau khi nghị quyết được thông qua, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện, phổ biến, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện. Các nghị quyết ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Trong quá trình hoạt động, HĐND tỉnh luôn coi giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Theo đó, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh năm 2024 ngày càng đổi mới theo hướng thực chất những vấn đề bất cập trong thực tiễn trên tinh thần xây dựng vì mục tiêu phát triển. Trong năm, HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh tổ chức 09 cuộc giám sát chuyên đề: (1)Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Hội đồng nhân dân tỉnh); (2) giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri (thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh); (3) tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2019 - 2023; (4) công tác tham mưu, lập và việc triển khai thực hiện chủ trương đầu tư các công trình, dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2023 (Ban kinh tế - ngân sách); (5) việc thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2023; (6) tình hình triển khai, thực hiện việc giao số lượng, bố trí chức danh, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, giai đoạn 2021 - 2023 (Ban pháp chế); (7) tình hình thực hiện chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh và tình hình thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trên lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 - 2023; (8) việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023 (Ban văn hóa - xã hội); (9) việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn 2020 - 2024) (Ban dân tộc).
Đồng chí Lê Văn Hiểu cùng Đoàn giám sát kiến nghị cử tri tại huyện Mỹ Xuyên
Ngoài ra, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức 08 cuộc khảo sát về: Tình hình triển khai thực hiện pháp luật về hộ tịch, chứng thực trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023; công tác thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023 (Ban pháp chế); tình hình đầu tư, mở rộng hệ thống và chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; các dự án đầu tư đường giao thông mới trong đô thị có thu hồi đất 02 bên đường, trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện nghiên cứu và ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017 - 2023 (Ban kinh tế - ngân sách); tình hình hoạt động và hiện trạng trang thiết bị truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; kết quả triển khai Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng quy định chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 (Ban văn hóa - xã hội); tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Ban dân tộc).
Trong các hình thức giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn luôn nhận được sự quan tâm từ đông đảo cử tri vì đây là hình thức giám sát quan trọng, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Có thể khẳng định, hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề ngày càng được HĐND tỉnh quan tâm, đổi mới phương thức, đảm bảo hoạt động giám sát triển khai không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nội dung giám sát, khảo sát được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bao quát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, việc liên hệ chặt chẽ với cử tri là trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND. Theo đó, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giải quyết đơn thư, khiếu tại tố cáo của công dân luôn được HĐND tỉnh và chính quyền các cấp tập trung thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; trong năm, Thường trực HĐND đã xử lý 110/110 (100%) đơn khiếu nại, phản ánh, kiến nghị. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương, được tổng hợp, phân loại để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, văn bản trả lời kiến nghị của cử tri được công khai tại các kỳ họp HĐND và được đăng tải trên trang thông tin điện tử bảo đảm tính công khai, minh bạch. Nhiều kiến nghị được giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương, tăng cường đồng thuận của xã hội.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào tiếp xúc cử tri tại thị xã Vĩnh Châu
Từ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, việc ban hành nhiều quyết sách đúng đắn hợp lòng dân đã tạo những dấu ấn đậm nét trong hoạt động của HĐND năm 2024. Năm 2025 HĐND tỉnh xác định phương hướng hoạt động là: Tiếp tục phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong việc xây dựng, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng cường giám sát, bảo đảm việc thực thi pháp luật tại địa phương, đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh phát huy hiệu quả và phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HĐND tỉnh theo hướng thực chất, toàn diện, đồng bộ, vừa bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh. Với phương châm chuẩn bị từ sớm, từ xa, Thường trực HĐND tỉnh chủ động sớm trong công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp với các nội dung sát thực tiễn, linh hoạt trong tổ chức các kỳ họp HĐND, phiên họp thường trực HĐND; xem xét, quyết nghị các vấn đề thuộc thẩm quyền, cho ý kiến vào các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; tổ chức có hiệu quả việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Chú trọng thực hiện việc đánh giá, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, các Ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tại các kỳ họp thường lệ.
Các Ban của HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh khi xây dựng dự thảo các nội dung, tăng cường công tác khảo sát trực tiếp tại cơ sở, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách làm căn cứ thực tiễn trong quá trình tổ chức thẩm tra. Đổi mới phương pháp điều hành các phiên họp linh hoạt, sáng tạo; phát huy trí tuệ tập thể trong quá trình thảo luận, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo đồng thuận cao trong việc thông qua các nghị quyết.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng hoạt động của các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, nhất là trong việc thực hiện chức năng giám sát; đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân, kịp thời lắng nghe, phản ánh và đề nghị giải quyết đối với những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri gắn với việc thường xuyên giám sát chặt chẽ tiến độ giải quyết của các cơ quan chức năng có liên quan; tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.