Lượt xem: 55
Nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc ban hành Nghị quyết của HĐND
      Như đã biết, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; nhiệm vụ chính là thực hiện quyền giám sát và ban hành các quyết định, chính sách quan trọng tại địa phương. Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra, bao gồm đại biểu Hội đồng nhân dân và Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu được bầu ra từ các đại biểu Hội đồng nhân dân. Như vậy, nói đến Hội đồng nhân dân là nói đến nhân dân mà đại diện là đại biểu được nhân dân tín nhiệm, tin tưởng, lựa chọn. Vai trò của các đại biểu là hết sức quan trọng vừa là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân; vừa là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương mình.
      Thời gian gần đây, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các quy định của pháp luật, nhiều cuộc họp của Hội đồng nhân dân được diễn ra, các nghị quyết liên tục được ban hành đúng quy trình, quy định của pháp luật, mang lại nhiều lợi ích, phát triển kinh tế của tỉnh nhà; các đại biểu Hội đồng nhân dân được triệu tập, cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến kỳ họp để họ nghiên cứu, xem xét, quyết định. Tuy nhiên, một số đại biểu Hội đồng nhân dân đôi lúc chưa thực hiện hết trách nhiệm, vai trò của người đại biểu, việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan như:

      Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm đa phần là lãnh đạo, bận rất nhiều việc chuyên môn, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, đòi hỏi người lãnh đạo có tâm, có tầm, có năng lực, mọi việc đều cần sự quan tâm sâu sát, chính vì lẽ đó cần dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên môn; đôi khi các đại biểu này “có lòng nhưng không đủ sức”, chưa thể hiểu rõ tất cả các lĩnh vực mà dự thảo nghị quyết Hội đồng nhân dân điều chỉnh, dẫn tới chưa nghiên cứu sâu các nội dung dự thảo đã buộc phải “bấm nút” hoặc biểu quyết thông qua.

      Bên cạnh đó, hồ sơ, tài liệu liên quan đến nghị quyết tương đối nhiều, được gửi gần sát ngày họp, đôi khi gửi trong kỳ họp (theo quy định chậm nhất 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp), đó cũng là một trong những nguyên nhân một số đại biểu có muốn tham gia, góp ý vẫn không đủ thời gian, tài liệu để nghiên cứu, góp ý.

      Một nguyên nhân nữa là, các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm cho rằng đã có vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; các đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ có “trách nhiệm chính” trong việc ban hành nghị quyết; do đó, các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm không nhất thiết phải tham gia quá sâu; họ quên rằng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm phải dành ít nhất 1/3 thời gian cho hoạt động của đại biểu.

      Qua quá trình nghiên cứu, tham mưu nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, theo ý kiến của người viết cần tăng cường một số việc sau:

      Thứ nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân cần quan tâm, chỉ đạo, nhắc nhở đại biểu Hội đồng nhân dân tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đại biểu; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đối với hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.

      Thứ hai, tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách để Hội đồng nhân dân hoạt động hiệu quả hơn. Các đại biểu chuyên trách phải thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan, vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Đồng thời phải tăng cường thời gian để đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của công dân qua đó có thể phản ánh kịp thời đến các cấp chính quyền.

      Thứ ba, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân, sớm gửi tài liệu đến đại biểu Hội đồng nhân dân theo luật định, đặc biệt là các lĩnh vực đòi hỏi phải có sự đào sâu, nghiên cứu để đại biểu Hội đồng nhân dân nghiên cứu trước hoặc xin ý kiến chuyên gia trước khi biểu quyết hoặc bấm nút quyết định thông qua nghị quyết.

      Cuối cùng là, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, khen thưởng, chế tài hợp lý đối với các đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia tích cực hoạt động của Hội đồng nhân dân, dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động đại biểu của mình. Tuy rằng, đây là trách nhiệm của người đại biểu, nhưng cũng là một phần nỗ lực không nhỏ của bản thân đại biểu đó, do vậy cần có cơ chế khen thưởng thích đáng đối với họ; song song với việc khen thưởng là có chế tài, có thể bằng hình thức nhắc nhở hoặc yêu cầu báo cáo./.
Diệu Ngân
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 118
  • Trong tuần: 2 180
  • Tất cả: 534945
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.