Lượt xem: 145
Một vài kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng
      Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (sau đây gọi là Luật giám sát), giám sát là: Việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
      Trên cơ sở các quy định của Luật giám sát, thời gian qua, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã triển khai, thực hiện từng bước đi vào nền nếp, theo trình tự, thủ tục quy định và đảm bảo khoa học. Các hoạt động giám sát tại kỳ họp và ngoài kỳ họp được thực hiện thường xuyên, đúng pháp luật; góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đôn đốc đối với các hoạt động còn chậm, trễ, chưa đúng quy định. Hầu hết, các đơn vị có liên quan trong hoạt động giám sát phối hợp nhịp nhàng, nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày càng gần gũi, gắn với việc ban hành nghị quyết, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và các vấn đề thực tế tại địa phương. Vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân ngày được nâng cao, các hoạt động chất vấn, xem xét trả lời chất vấn ngày càng sôi nổi; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; giúp người đại biểu thật sự trở thành đại diện của Nhân dân, là cầu nối của Nhân dân với chính quyền, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hội đồng nhân dân tại địa phương.

      Thực hiện Điều 58 Luật giám sát, tại tỉnh Sóc Trăng, các chương trình kỳ họp, chương trình giám sát hằng năm được ban hành, triển khai theo đúng thời gian, trình tự quy định. Trong giai đoạn 2016 - 2023, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã tổ chức trên 38 kỳ họp, ban hành 07 nghị quyết về chương trình giám sát hằng năm. Tại các cuộc họp thường lệ, Hội đồng nhân dân đã xem xét thảo luận các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trên cơ sở thẩm tra, thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân và giải trình của cơ quan có thẩm quyền; đảm bảo đầy đủ cơ sở để đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua nghị quyết. 

      Về hoạt động chất vấn, đây là một trong những hoạt động quan trọng của đại biểu Hội đồng nhân dân, nhờ hoạt động này, đại biểu thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình với cử tri và Nhân dân. Hoạt động chất vấn, trả lời chất tại kỳ họp được được bố trí, thực hiện khoa học, bày bản và thường dành từ 1/4 đến 2/3 thời gian họp thời gian họp để thực hiện. Nhiều đại biểu tích cực tham gia chất vấn, tranh luận, làm rõ thêm nội dung chất vấn với tinh thần thẳng thắn, xây dựng; thông thường tại mỗi kỳ họp thường có từ 7 - 10 ý kiến đặt ra, nội dung chất vấn luôn là những vấn đề mang tính thời sự, bức xúc liên quan đến công việc chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoạt động trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm được quan tâm; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức phiên chất vấn liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và mời lãnh đạo sở, ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham dự. 

      Chương trình giám sát hằng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định về các nội dung, trình tự được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 67 của Luật. Tại tỉnh, sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ họp cuối năm, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch giám sát cho năm sau; trong đó, bao gồm chương trình giám sát, khảo sát của các Ban để chỉ đạo, điều hòa, phối hợp. Trên cơ sở chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân ban hành chương trình giám sát, khảo sát. Thời gian qua đã tổ chức 53 cuộc giám sát, 77 cuộc khảo sát chuyên đề của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; có trên 1.540 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề của Ban Hội đồng nhân dân cấp huyện, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

      Quy trình giám sát chuyên đề được thực hiện theo đúng quy định pháp luật; kết quả giám sát được tổng hợp, báo cáo đầy đủ; các kiến nghị giám sát, khảo sát được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và phản hồi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để theo dõi. Thành phần đoàn giám sát luôn đảm bảo theo quy định gồm Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân làm Trưởng Đoàn, các thành viên khác là đại diện các Ban của Hội đồng nhân dân, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và một số thành viên từ các cơ quan, đơn vị có liên quan. Qua giám sát, đoàn làm rõ kết quả, hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; có đề xuất, kiến nghị những vấn đề vướng mắc cần quan tâm giải quyết nhằm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đa số các nội dung kiến nghị được quan tâm xem xét, giải quyết, nhất là kiến nghị liên quan trực tiếp đến đời sống người dân; thời gian qua, đã tổ chức 06 cuộc giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh và 10 cuộc giám sát chuyên đề tập trung trên các lĩnh vực quan trọng như: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh;…

      Đối với công tác giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trước mỗi kỳ họp thường lệ, Thường trực Hội đồng nhân dân thành lập từ 01 - 02 Đoàn giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri với thành phần Trưởng Đoàn là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành viên là đại diện các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện các sở, ngành có liên quan. Nội dung giám sát luôn là các vấn đề bức xúc, là những nội dung có quá trình xử lý, giải quyết kéo dài, cử tri còn tiếp tục phản ánh hoặc là những vấn đề được cử tri quan tâm; từ đó, để tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, đề xuất giải pháp và đôn đốc các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Sau giám sát, Đoàn tổng hợp và mời các đơn vị có liên quan trao đổi thống nhất kết quả giám sát, có báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Từ năm 2016 đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức trên 15 Đoàn giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

      Hoạt động thẩm tra được thực hiện sự theo sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân và quy định pháp luật. Tại mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân phân công các Ban liên quan thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết và tham dự các cuộc họp thẩm tra. Sau thẩm tra, các Ban báo cáo kết quả thẩm tra đến Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định. Ngoài thẩm tra văn bản trình tại kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân giao các Ban thẩm tra đề nghị xây dựng nghị quyết trước khi đưa ra Thường trực Hội đồng nhân dân bàn bạc, xem xét.

      Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thi hành Luật còn một số tồn tại, vướng mắc cụ thể như sau:

      Chương trình, nội dung kỳ họp thường thay đổi vào sát thời gian họp, chưa bám sát kế hoạch đã ban hành. Một số báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình đến Hội đồng nhân dân chậm so với thời gian quy định, chất lượng chưa cao; phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Chất lượng báo cáo thẩm tra của Ban đôi lúc chưa cao, chưa mang tính phản biện thuyết phục do cần nhiều thời gian để nghiên cứu sâu trong khi đó phần lớn đề án, báo cáo, dự thảo nghị quyết gửi chậm so với quy định; từ đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu, khảo sát trước khi Ban thẩm tra. Bên cạnh đó, thành viên các Ban đa phần kiêm nhiệm cũng làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thẩm tra; chưa đưa ra được các nội dung cần phản biện, nghiên cứu để đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét, giám sát. 

      Số lượng đại biểu chất vấn chưa nhiều, đa phần tập trung vào một số đại biểu hoạt động chuyên trách; các đại biểu chưa quan tâm, theo dõi, giám sát chặt chẽ các nội dung trả lời chất vấn (trả lời còn chưa đúng trọng tâm, trọng điểm), chưa quan tâm theo dõi, đôn đốc kết quả trả lời chất vấn bằng văn bản. Một số ít đại biểu Hội đồng nhân dân chưa có kỹ năng trong hoạt động giám sát, chưa dành thời gian nghiên cứu; thời gian qua, chưa tổ chức chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Tại kỳ họp, một số đơn vị cử cấp phó trả lời chất vấn nên nội dung trả lời chưa toàn diện, chưa đạt yêu cầu. Tỉnh chưa ban hành nghị quyết về phiên chất họp chất vấn.

      Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân chưa được quan tâm thực hiện tốt do đa phần nội dung các phiên họp để giải quyết công việc của Thường trực, các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp.

      Chất lượng một số cuộc giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân chưa cao; chưa xứng tầm là giám sát tối cao tại địa phương. Các cơ quan chịu sự giám sát chưa quan tâm đúng mức về hoạt động giám sát; một số nội dung kiến nghị chưa được cơ quan Trung ương hoặc cấp có thẩm quyền quan tâm phản hồi, giải quyết. Một số cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề triển khai chưa đảm bảo thời gian, kế hoạch đề ra. Nội dung, chất lượng giám sát, khảo sát một số chuyên đề chưa thật sự phù hợp. Hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyên đề chưa nhiều, chủ yếu là xử lý chuyển trả đơn, chưa đi sâu xem xét từng vụ việc.

      Những kiến nghị sau giám sát của Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân đôi lúc chưa được lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiếp thu, chấn chỉnh, xử lý kịp thời; hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài xử lý những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc cố ý trì hoãn việc tiếp thu, điều chỉnh, thực hiện theo đúng kiến nghị của các đoàn giám sát. Một số cơ quan, đơn vị được giám sát chưa quan tâm, chuẩn bị đầy đủ nội dung báo cáo, đôi lúc phối hợp chưa chặt chẽ trong hoạt động giám sát. Các kiến nghị gửi tới đoàn giám sát còn chung chung, chưa thể hiện rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật cũng như các tồn tại, hạn chế để đoàn giám sát nắm; hoặc không có đề xuất, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các nội dung, vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách.

      Một vấn đề quan trọng đặt ra là hiện nay số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm khá nhiều (chiếm đến 80% đại biểu) nên thời gian dành cho hoạt động của Hội đồng nhân dân còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của đại biểu nói riêng và của Hội đồng nhân dân nói chung. Một số đại biểu chưa quan tâm, theo dõi đầy đủ kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc trả lời đối với các ý kiến, nghị của cử tri còn chung chung, chưa cụ thể. Một số đại biểu Hội đồng nhân dân chưa quan tâm giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân với vai trò đại biểu cũng như chưa nghiên cứu sâu, dành nhiều thời gian cho hoạt động của người đại biểu Hội đồng nhân dân.

      Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, xin được đề xuất một số ý kiến, kiến nghị sau:

      Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động của các Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để hạn chế trường hợp các Đoàn về địa phương làm việc với thời gian cận, kề nhau); nhằm tạo điều kiện cho địa phương tham gia đầy đủ và đóng góp sâu sát cho các hoạt động giám sát.

      Hai là, quy định cụ thể đối tượng là chuyên gia tham gia đoàn giám sát (chuyên gia các sở, ngành am hiểu lĩnh vực); quy định đặc thù cho bộ phận tham mưu, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân (quy định, phân công biên chế phục vụ hoạt động Hội đồng nhân dân cấp xã); hướng dẫn về kinh phí phục vụ giám sát, khảo sát để thống nhất thực hiện chung.

      Ba là, có quy định cụ thể chế tài đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật giám sát, nhất là trong hoạt động trả lời chất vấn; trong việc trình văn bản chuẩn bị phục vụ kỳ họp (thường lệ và chuyên đề); hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri;…
Diệu Ngân
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 2 077
  • Tất cả: 534842
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.