Lượt xem: 157
Vai trò của HĐND tỉnh trong việc quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
      Năm 2023, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tình hinh kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm nội tỉnh ước đạt 72.869 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,38% trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,6%; khu vực dịch vụ tăng 8,78%. GRDP bình quân đầu người đạt 60,8 triệu đồng/người/năm vượt chỉ tiêu nghị quyết.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết

      Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì và ổn định; thương mại, dịch vụ, du lịch có bước tăng trưởng; thu ngân sách đạt khá; các công trình dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia, của tỉnh được tập trung triển khai thực hiện, tạo sự phấn khởi trong quần chúng nhân dân; công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chú trọng; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung triển khai thực hiện, có sự chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giử vững; diện mạo của tỉnh thay đổi theo hướng khang trang, tiến bộ và văn minh.

      Để đạt được kết quả khả quan về kinh tế - xã hội trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ từ các quyết sách của HĐND tỉnh. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo luật định, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm 2023, thường trực HĐND tỉnh quyết định triệu tập 07 kỳ họp HĐND (02 kỳ họp thường lệ, 05 kỳ họp chuyên đề). Kết quả, thông qua 65 báo cáo; ban hành 130 nghị quyết (trong đó, có 124 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; 06 nghị quyết liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ thuộc thẩm quyền, tăng 06 báo cáo và 03 nghị quyết so với năm 2022. Cụ thể HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; nghị quyết chủ trương đầu tư dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây để hình thành hành lang kinh tế mới kết nối quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp với quốc lộ Nam sông Hậu, thúc đẩy phát triển vùng trũng thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu và các nghị quyết về chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; nghị quyết về phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia; các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn giai đoạn 2021-2025… . Bên cạnh đó, cầu Mạc Đĩnh Chi kết nối thành phố Sóc Trăng với Khu công nghiệp Trần Đề, cảng cá Trần Đề, bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo và kết nối cảng biển Trần Đề, cầu Đại Ngãi trong tương lai, tạo điều kiện trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển. Trung ương đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cầu Đại Ngãi, dự án cảng biển Trần Đề. Với vị trí là cửa ngõ phía đông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp việc đầu tư những công trình, dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng và quốc tế, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sóc Trăng có cơ hội đón đầu, bứt phá đi lên, trở thành một trong những trung tâm phát triển của vùng. 

      Để đáp ứng yêu cầu bức thiết của Nhân dân, HĐND tỉnh chú trọng lựa chọn những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hoặc phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ban hành nghị quyết chuyên đề và chọn lọc những nội dung có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng nguồn lực của địa phương để ban hành nghị quyết. Đặc biệt là coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp từ các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết đến đời sống Nhân dân, đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh. Song song đó HĐND tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy tốt tinh thần dân chủ, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong việc thảo luận, tạo được sự thống nhất cao trước khi quyết định thông qua các vấn đề quan trọng của tỉnh. Vì thế, trong năm qua nhiều nghị quyết chuyên đề đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ.

      Đạt được kết quả nêu trên cho thấy thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng đã nắm và vận dụng đúng quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy vào việc xác định các nghị quyết chuyên đề cần ban hành nhằm tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc ban hành nghị quyết được thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định, trong quá trình điều hành thảo luận thông qua nghị quyết thường trực HĐND đã giành thời gian thỏa đáng phát huy tính dân chủ, trí tuệ của từng đại biểu HĐND, những nội dung có ý kiến khác nhau, hoặc chưa rõ sẽ được trao đổi, thảo luận đi đến thống nhất, các cơ quan giải trình đảm bảo sự đồng thuận cao của đại biểu trong quyết định chính sách; thường trực HĐND và các Ban HĐND thường xuyên rà soát, theo dõi, giám sát việc thực hiện nghị quyết để kịp thời, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong năm 2023 thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh tổ chức 9 cuộc giám sát thực hiện đạt 100% kế hoạch, 11 cuộc khảo sát thực hiện đạt 113% kế hoạch đã đề ra. 

Thường trực HĐND tỉnh giám sát kết quả kiến nghị cử tri tại huyện Cù Lao Dung

      Nhằm tiếp tục thực hiện tốt vai trò của HĐND trong việc quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hiệu lực cao trong thời gian tới cần:

      Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương cần xác định những nội dung, lĩnh vực phải ban hành nghị quyết, đặc biệt làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, đối tượng và mức độ tác động đến đối tượng, các nguồn lực, khả năng của địa phương có đảm bảo nghị quyết được thực thi hay không và những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Kinh nghiệm thực tế cho thấy trước mỗi kỳ họp các Ban của HĐND cần tổ chức khảo sát thực tế, giám sát trực tiếp về kết quả triển khai, thực hiện nghị quyết ở các cơ quan chuyên môn và các huyện, thị xã, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương đảm bảo phù hợp với thực tế và mang tính khả thi cao.

      Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp trong việc chuẩn bị các nội dung trình HĐND, các Ban HĐND cần được mời tham gia ý kiến ngay từ khi dự thảo các đề án, tờ trình để tham gia ý kiến và chuẩn bị tốt cho công tác thẩm tra. Đồng thời, các Ban của HĐND cần có sự chủ động mời các cơ quan trình để trao đổi, thống nhất nội dung trình, đặc biệt với những nội dung trình còn ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất chung.

      Thứ ba, việc ban hành các chính sách cần thiết phải có sự tính toán cân đối, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Để thực hiện như vậy đòi hỏi thường trực HĐND, các Ban HĐND cần lắng nghe, nắm bắt thông tin từ nhiều phía, nhiều chiều thông tin đến chính sách chuẩn bị ban hành để từ đó có quyết định đúng đắn. Báo cáo thẩm tra của các Ban cần tập trung phân tích, phản biện và nêu rõ chính kiến của các Ban, đối với những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở pháp lý thì kiến nghị không đưa vào chương trình kỳ họp để đảm bảo tính khả thi của nghị quyết; các báo cáo thẩm tra phải thật sự là cơ sở tin cậy để đại biểu HĐND thảo luận và quyết định.

      Thứ tư, cần nắm chắc và thực hiện đúng quy trình soạn thảo văn bản theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là xác định văn bản được xây dựng theo quy trình văn bản quy phạm pháp luật, từ đó triển khai xây dựng chính xác đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

      Thứ năm, quyết định và giám sát là hai chức năng cơ bản của HĐND nó có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo luật định. Do đó, ngoài việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương cần phải tăng cường công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết để có quyết định đúng đắn giúp cho những thông tin phản ánh từ hoạt động giám sát đi vào thực tế cuộc sống người dân./.
K.C
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 427
  • Trong tuần: 2 062
  • Tất cả: 534827
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.