Lượt xem: 2003
Một số kinh nghiệm trong việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng
      Được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ  9 thông qua ngày 19/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (gọi tắt là Luật) là cơ sở pháp lý quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo quy định của Luật, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND các cấp tăng; cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực, các Ban có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
      Qua thời gian hơn 3 năm thực hiện Luật, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xin trao đổi một số kinh nghiệm sau:

      - Thực hiện Luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, đã tổ chức thành công 12 kỳ họp (có 05 kỳ họp bất thường), thông qua 124 nghị quyết, quyết định nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội quốc phòng, an ninh của địa phương. Bên cạnh việc thực hiện giám sát thường xuyên và  giám sát tại kỳ họp, TT. HĐND đã tổ chức giám sát chuyên đề 28 cuộc và 40 cuộc khảo sát; xem xét, cho ý kiến 23 vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền giữa hai kỳ họp; tổ chức 34 Chuyên mục “Diễn đàn cử tri” với nhiều nội dung sâu sắc, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân để phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri đến các ngành chức năng; 04 Hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm công tác giữa TT. HĐND, các Ban của HĐND tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố; tiếp và hướng dẫn 35 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 664 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tham dự đối thoại 62 cuộc..

      Từ những kết quả trên, để thực hiện tốt Luật, chúng tôi cho rằng, trước hết tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Tỉnh ủy, phải luôn bám sát chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và tình hình thực tiễn của tỉnh để thể chế hóa kịp thời thành các Nghị quyết của HĐND phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể HĐND, đề cao trách nhiệm cá nhân, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa HĐND, UBND, các cơ quan tư pháp và UBMTTQVN cùng cấp cũng như phối hợp giữa HĐND các cấp; không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung và phương thức hoạt động của HĐND, TT. HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND trên cơ sở quy định của Luật để phát huy hiệu quả trong thực tiễn và hơn cả là người đại biểu dân cử phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực và trách nhiệm cao, tâm huyết với công việc, luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với cử tri, lắng nghe một cách cầu thị, thấu đáo và có chọn lọc các ý kiến đóng góp của cử tri.

      Trên tinh thần đó, hoạt động của HĐND tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã từng bước được đổi mới, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với HĐND ngày càng được tăng cường; sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND, Thường trực và các Ban HĐND, tinh thần phối hợp, cộng tác chặt chẽ của UBND, UBMTTQVN và các cơ quan tư pháp, các sở, ban, ngành, của TT. HĐND các huyện, thị xã, thành phố và sự đóng góp, ủng hộ của cử tri trên địa bàn tỉnh ngày càng cao. TT. HĐND đã chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp; hoạt động giữa hai kỳ họp được triển khai liên tục, kịp thời và có chất lượng. Các Ban HĐND tỉnh tổ chức giám sát đảm bảo theo chương trình, kế hoạch đề ra và tăng cường hoạt động khảo sát, thu thập thông tin để phục vụ hoạt động thẩm tra các báo cáo, hồ sơ dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND. Hoạt động của HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy sự chủ động, đổi mới và thống nhất cao của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đối với việc tổ chức thực hiện Luật để nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trên địa bàn. 

      Trong hơn hai năm qua, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo luật định, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

      Đa số đại biểu HĐND thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, luôn giữ mối liên hệ với cử tri và nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề bức xúc trong cuộc sống và đề xuất ý kiến để xem xét, thảo luận tại kỳ họp; nhiều đại biểu tích cực nghiên cứu, cung cấp những thông tin, đóng góp những ý kiến thiết thực, giúp HĐND thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; nhiều đại biểu gương mẫu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

      Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và có chất lượng. Qua giám sát, Thường trực, các Ban HĐND đã đánh giá một cách khách quan, chính xác những kết quả đạt được và cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đồng thời, có những kiến nghị xác đáng đến cấp có thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo, xử lý và khắc phục kịp thời. Kết quả hoạt động giám sát của HĐND được cử tri và nhân dân đánh giá cao bởi đã tập trung vào một số lĩnh vực bức xúc như về xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quản lý đất đai; thực hiện cơ chế tự chủ; trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; tiếp công dân và đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo…  

      Các kỳ họp của HĐND tỉnh ngày càng được chuẩn bị chu đáo, tài liệu kỳ họp được gửi trước cho đại biểu; chủ tọa điều hành linh hoạt, phát huy dân chủ của đại biểu, chất lượng các Nghị quyết của HĐND ban hành được nâng lên và có tính khả thi cao. Chất vấn, trả lời chất vấn ngày càng sôi nổi, nội dung tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri và dư luận xã hội quan tâm như môi trường; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chất lượng khám chữa bệnh; dạy thêm, học thêm; điện nước sinh hoạt, sản xuất; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp…

      Nhiều đại biểu HĐND tỉnh tích cực tham dự kỳ họp HĐND huyện nơi ứng cử. Việc tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp thường kỳ được duy trì theo quy định, đảm bảo dân chủ; các ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu HĐND tiếp thu, giải đáp hoặc được tổng hợp gửi đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời cho cử tri theo Luật định…

      Tuy nhiên, sau gần 03 năm triển khai thực hiện Luật, HĐND tỉnh Sóc Trăng cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn, do một số quy định của Luật thiếu rõ ràng, nhận thức còn trái chiều, tính khả thi không cao, nhưng chưa được hướng dẫn kịp thời nên hiệu quả không tránh khỏi những hạn chế nhất định, cụ thể như:

      - Hoạt động giám sát về các nội dung kiến nghị sau giám sát của HĐND có lúc chưa thường xuyên; mặt khác, dù các kiến nghị sau giám sát được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đôn đốc, nhắc nhở nhưng một số cơ quan, đơn vị từng lúc chưa nghiêm túc thực hiện. Việc giám sát công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh và của HĐND cấp dưới còn hạn chế;

      - Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND có lúc chất lượng chưa cao, chưa đảm bảo thời gian theo Luật định; hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu tập trung ở trung tâm các xã, phường, thị trấn; thành phần cử tri tham dự các buổi tiếp xúc chủ yếu là cán bộ chủ chốt ở cấp xã, cán bộ không chuyên trách khóm, ấp. Việc phân loại ý kiến, kiến nghị cử tri ở cơ sở chưa xác định đúng thẩm quyền giải quyết; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị chưa được quan tâm đúng mức.

      - Một số đại biểu còn ngại va chạm hoặc ít nghiên cứu văn bản, tài liệu kỳ họp và nắm bắt tình hình thực tế nên ít tham gia thảo luận hoặc đặt câu hỏi chất vấn.

      Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân trong đó có những nguyên nhân khách quan, song xác định một số nguyên nhân chủ quan sau:

      - Hầu hết đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, lại nặng về công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, ít dành thời gian tham gia các hoạt động của HĐND; nhiều đại biểu là thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh nên khi tham gia các hoạt động chất vấn, giám sát của HĐND còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm. Trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động của một số đại biểu HĐND còn hạn chế, chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử.

      - Công tác chuẩn bị các nội dung kỳ họp HĐND của UBND tỉnh và các sở, ban ngành  còn chậm, chất lượng chưa cao, một số nội dung trình không đảm bảo thời gian theo luật định, làm ảnh hưởng đến việc gửi tài liệu cho đại biểu HĐND để nghiên cứu và công tác thẩm tra của các Ban HĐND.

      Nhưng trên hết vẫn là trong nhận thức của đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thấy hết vị trí, vai trò, chức năng của HĐND trong bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương, mặc dù có Luật quy định và HĐND cũng đã có nhiều nỗ lực cố gắng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt đông như đã đề cập.

      Vì vậy để vai trò, vị thế và hoạt động của HĐND ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương, HĐND tỉnh Sóc Trăng đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật như sau:

      * Về phần chung:

      1. Cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc làm thay đổi tư duy, nhận thức và cách làm để nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của HĐND trong bộ máy chính quyền địa phương nói riêng và trong đời sống chính trị xã hội nói chung;

      2. Có quy định cụ thể hơn về chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân không thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm các kết luận kiến nghị sau giám sát của HĐND cũng như các kiến nghị, phản ánh có căn cứ xác đáng của cử tri được HĐND tổng hợp gửi đến, nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

      3. Có cơ chế chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để thu hút người có trình độ, năng lực vào làm việc nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

      4. Về Bộ máy tham mưu giúp việc cần có quy định cụ thể về biên chế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho Văn phòng HĐND để nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu giúp việc của HĐND.

      5. Cần quy định về chế độ khen thưởng đối với tổ chức HĐND và đại biểu HĐND nhằm động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động của HĐND.

      * Về các điều luật cụ thể:

      Khoản 1, Điều 106 của Luật quy định: “Phiên họp TT. HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu của TT. HĐND. Tại phiên họp TT. HĐND thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật” nhưng chưa quy định cụ thể về những vấn đề mà HĐND có thể ủy quyền cho TT. HĐND quyết định giữa hai kỳ họp vì quá trình điều hành của UBND có nhiều vấn đề phát sinh không thuộc thẩm quyền cần xin ý kiến của HĐND để giải quyết kịp thời;

      Luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa TT. HĐND và lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Ban HĐND và lãnh đạo các sở, ngành thuộc UBND; chưa quy định rành mạch, đầy đủ về trách nhiệm của UBND trước HĐND với tư cách là cơ quan chấp hành của HĐND;

      Điều 104 của Luật không quy định nhiệm vụ của TT. HĐND tỉnh trong việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri mà chỉ quy định nhiệm vụ trong việc tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để báo cáo tại kỳ họp HĐND (khoản 5). Tuy nhiên, trên thực tế TT. HĐND xây dựng kế hoạch và tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri;

      Luật không có quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Chủ tịch HĐND nhưng lại có quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Chủ tịch UBND (Điều 121). Trên thực tế HĐND và UBND là hai yếu tố hợp thành chính quyền địa phương nên cần có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu 02 cơ quan này;

      Luật chưa quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới (TT. HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, TT. HĐND cấp huyện với cấp xã) nhất là trách nhiệm của TT. HĐND cấp trên với TT. HĐND cấp dưới trong phối hợp tổ chức và hướng dẫn hoạt động, vì trên thực tế mối quan hệ này được thể hiện rất rõ như việc định hướng, hướng dẫn hoạt động, giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền của HĐND cấp dưới, phối hợp giám sát việc thực hiện các nghị quyết HĐND đã ban hành; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động;

      Điều 90 của Luật quy định: “Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với HĐND kết quả giải quyết”. Tuy nhiên, Điều 74, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chỉ quy định giám sát đối với báo cáo của UBND về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri còn kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức khác thì không có quy định cụ thể về việc tổ chức giám sát nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng;

      Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh (khoản 1, Điều 112) nhưng Luật và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đều không quy định cụ thể trình tự thủ tục giám sát, việc thành lập Đoàn giám sát và sử dụng con dấu nên trong quá trình tổ chức hoạt động giám sát còn lúng túng; cũng tại điều này quy định Tổ đại biểu có vai trò quan trọng trong các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến về nội dung kỳ họp HĐND, tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ, tuy nhiên, Luật chưa quy định trách nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó, cách thức tổ chức hoạt động của Tổ đại biểu và mối quan hệ phối hợp giữa Tổ đại biểu với TT. HĐND tỉnh;

      Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND quy định: “Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy viên phụ trách quân sự và Ủy viên phụ trách công an ở cấp tỉnh, cấp huyện”. Khoản 4, Điều 83, Luật quy định “HĐND bầu Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND”. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục bầu Ủy viên UBND tỉnh (bầu Ủy viên UBND trước hay bổ nhiệm giữ chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND trước? Nếu bầu không trúng Ủy viên UBND có được bổ nhiệm vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn không? Nếu bổ nhiệm rồi mới bầu thì có hình thức không?).

      Do vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo Luật phát huy tính đồng bộ chặt chẽ  trong hệ thống pháp luật Việt Nam và hiệu quả tối đa trong đời sống xã hội ở địa phương, nhận thấy, cần sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo quy định cũng như Quy chế hoạt động của HĐND kịp thời, nhằm hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn của HĐND đảm bảo tính thống nhất, khả thi, trong đó đề nghị quan tâm cụ thể một số nội dung  đã trao đổi ở trên.
Bùi Thị Tuyết Hạnh
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 34
  • Trong tuần: 2 713
  • Tất cả: 531938
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.